[Du Học Mỹ] - Bí quyết viết essay xin học bổng

Trong hồ sơ xin học bổng của bạn bao gồm sơ yếu lý lịch, đơn xin học bổng, bảng điểm, chứng chỉ bằng cấp hay thư giới thiệu đều là những tài liệu khách quan mà bạn phải cung cấp cho trường Đại Học mà bạn muốn xin học bổng. Tùy thuộc vào khả năng trình bày của bạn trong bài tiểu luận để có có thể xin học bổng cao. Vậy làm thế để thuyết phục ban tuyển chọn với bài essay ấn tượng.

VAI TRÒ CỦA STATEMENT OF PURPOSE

Những thứ khác đó là gì? Là con người bạn, là cá tính riêng của bạn, là tài năng, óc sáng tạo, lòng hăng say học hỏi, là tầm nhìn sâu, rộng và xa của bạn, là kinh nghiệm tích tụ… và nhiều khía cạnh khác của con người bạn liên quan đến ngành hay lãnh vực bạn muốn xin học bổng để có cơ hội đào sâu và tiến xa hơn trong tương lai. Nói tóm lại, họ muốn biết bạn là ai và tại sao họ lại nên trao học bổng cho bạn.

Và đây chính là vai trò của Statement of Purpose của bạn. Vì vậy, nó có tính cách rất cá nhân, độc nhất vô nhị. Nó không được giống bất cứ một bài tiểu luận nào của người khác vì chính con người bạn là như vậy: unique, không có mẫu thứ hai.

Vì bạn phải cạnh tranh với nhiều người giỏi không thua, hay còn hơn cả bạn nữa, cho nên bạn sẽ phải đầu tư rất nhiều thời giờ và sức lực cho bài tiểu luận này. Vậy bạn sẽ viết gì trong đó và viết như thế nào?

Vì là một ‘Statement of Purpose’ cho nên bạn phải chứng minh được là mình biết rất rõ tại sao mình muốn nhận được học bổng đó, ở trường Đại học đó chứ không ở một trường nào khác. Điều này có nghĩa là bạn phải tìm hiểu nhiều chừng nào tốt chừng nấy về học bổng cũng như về nơi bạn sẽ nghiên cứu học tập, nếu bạn được tuyển chọn. Bạn có thể tìm đọc các tài liệu quảng cáo, giới thiệu hay lên mạng tìm thông tin về học bổng cũng như về trường Đại học mà bạn đang nhắm đến.

Những hiểu biết này sẽ giúp bạn biết được ban tuyển chọn mong muốn tìm được những gì nơi ứng sinh mà họ cho là xứng đáng được nhận học bổng. Bạn sẽ dựa vào các thông tin này để biết mình sẽ phải nhấn mạnh vào phần nào, điểm nào trong quá trình và thành quả học tập hay kinh nghiệm làm việc của mình, nhằm thuyết phục ban tuyển chọn là học bổng rất thích hợp và cần thiết cho bạn trong lãnh vực học tập hay làm việc của bạn.

DETAILS, DETAILS, DETAILS 

Bạn nhớ là phải tránh gây cho họ cảm tưởng là bạn là một con người nói lý thuyết chung chung. Vì vậy bạn phải luôn luôn đưa ra ví dụ cụ thể cho từng điều bạn trình bày về mình. Chẳng hạn như bạn muốn thuyết phục họ là bạn có một tài năng đặc biệt nào đó thì bạn phải kể một ví dụ cụ thể về một công trình hay một hành động chứng minh là bạn đã sử dụng kiến thức, tài năng đó trong một trường hợp có thật nào đó. Bạn nói bạn là một người có óc sáng tạo, biết suy nghĩ độc lập thi bạn phải đưa ra bằng chứng cụ thể là óc sáng tạo của bạn đã giúp bạn tìm được giải pháp cho một vấn đề nào đó trong lãnh vực học tập hay nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Ở đây thông tin của bạn càng cụ thể, càng chính xác chừng nào bạn càng dễ thuyết phục chừng nấy.

Nhưng bạn phải luôn luôn chân thật, không thể phịa được. Ban tuyển chọn thường gồm những người rất có kinh nghiệm, đã từng xem xét đơn của cả ngàn ứng sinh, cho nên họ rất nhạy bén trong việc nhận ra những gì là giả tạo, sáo rỗng và ảo tưởng. Vì thế mà bạn phải luôn luôn tìm cách chứng minh là những thành công trước đây của mình là có thật. Phải là người thật việc thật. Nếu bạn có bằng chứng cụ thể để gửi kèm theo hồ sơ xin học bổng thì bạn càng có sức thuyết phục hơn nữa.
Cuối cùng là vấn đề viết như thế nào? Dĩ nhiên là phải cho ban tuyển chọn thấy là ngoại ngữ của bạn rất chuẩn, bạn có đủ trình độ ngoại ngữ để học tập và nghiên cứu một một trường Đại học hoàn toàn sử dụng tiếng Anh để đào tạo và huấn luyện.

Cách diễn tả của bạn phải chính xác, cụ thể và toát lên vẻ chân thật. Nên tránh dùng ngôn ngữ của cảm xúc ngay cả khi bạn nói về niềm hăng say, nỗi đam mê của mình cho một đề tài hay một lãnh vực nào đó. Hãy tỏ ra tinh tế và nhấn mạnh nhiều hơn vào hoa trái của niềm đam mê ấy.

Để tham khảo kinh nghiệm viết tiểu luận xin học bổng như thế nào, vấn đề viết như thế nào, bạn có thể lên mạng, vào Google hay Yahoo và gõ ‘statement of purpose’ để đọc và nghiên cứu một số bài.

Chắc chắn là việc suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, tra cứu trước khi viết tiểu luận sẽ làm cho bạn rất mệt, cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng bạn sẽ nhận được phần thưởng, ngay cả khi bạn còn đang chờ kết quả và chưa biết được mình có được chọn hay không. Đó là bạn biết và hiểu rõ hơn mình là ai.Và hiểu biết này thì luôn luôn hữu ích cho bạn, trên đường học vấn, sự nghiệp, cũng như trên đường đời nói chung.

CÁCH THỨC VIẾT ESSAY HỌC BỔNG 

BƯỚC 1: Ý TƯỞNG ƠI, MI Ở ĐÂU? 

Hình ảnh có liên quan

Phần lớn sinh viên đều bí tại bước này. Bạn không thể chọn được đề tài hay chỉ trong vài phút suy nghĩ, vì vậy hãy dành từ 1-2 tuần để nuôi lớn những ý tưởng. Dưới đây là một số bí quyết của http://essayedge.com/ nhằm giúp bạn tìm ý tưởng cho bài essay:

📍 Bạn đã bao giờ gặp khó khăn hay vấp ngã trong cuộc sống chưa, bạn đã làm gì để vượt qua nó. Vấn đề ở đây không phải là bạn kể vanh vách những biến cố trong cuộc đời để làm khổ nhục kế với ban giám khảo, vấn đề là bạn đã vượt qua các biến cố như thế nào. Bạn đã rút ra bài học gì cho bản thân từ những biến cố đó.

📍 Những thành quả của bạn trong thời gian qua, không hẳn là thành tích nổi trội nhất, nhưng nó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.

📍 Bạn đã bao giờ phấn đấu hết mình cho một mục tiêu mà mình đặt ra chưa, dù thành công hay thất bại, bạn hãy cho ban giám khảo biết la bạn làm điều đó như thế nào?

📍 Những đặc tính mà bạn cho là nổi trội nhất ở bạn.

📍 Bạn có tham gia hoạt động ngoại khóa hay không? Tại sao bạn tham gia các hoạt động đó? Điều này giúp ích gì trong cuộc sống cũng như học tập của bạn? Cho đến nay bạn vẫn tham gia công việc đó chứ?

📍 Bạn muốn trong tương lai bạn sẽ là gì? Bạn muốn trở thành ai? Bạn muốn sống ở nơi nào? Bộ phim, quyển sách,… yêu thích nhất của bạn là gì? Tại sao bạn lại thích chúng? Tất cả điều này sẽ giúp ban giám khảo nhận ra bạn là ai.

📍 Theo bạn phẩm chất nào của con người là quan trọng nhất? Vì sao?

📍 Cuối cùng, học bổng này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?

Nếu những câu hỏi trên vẫn chưa giúp bạn tìm được một đề tài thích hợp thì:

🔺 Hãy xin ý kiến từ phụ huynh, bạn bè, đồng nghiệp,…: Nếu bạn chưa thể định hình được tính cách và những điểm nổi trội của bản thân, hãy nhờ bố mẹ hay những người bạn viết hộ một danh sách năm điểm nổi bật mà họ nhận thấy ở bạn (có kèm thêm lý do vì sao họ chọn nó).

🔺 Đừng bỏ quên thời thơ ấu: Có thể cơ quan xét học bổng không quan tâm đến thời thơ ấu của bạn, họ hứng thú với cuộc sống 2-4 năm gần đây của ứng viên hơn. Nhưng nếu chịu khó mường tượng về tuổi thơ của mình, bạn sẽ tìm được một vài chất liệu đáng giá cho bài viết. Ví dụ như những ước mơ hiện nay của bạn bắt nguồn từ lúc nào, và bạn đã cố gắng thế nào để nuôi dưỡng và biến ước mơ đó thành sự thật.

🔺 Hình mẫu lý tưởng: Không phải ai cũng có một hình mẫu lý tưởng để hướng đến. Nhưng nếu bạn có một khuôn mẫu để phấn đấu, có thể lồng hình ảnh đó vào bài luận của bạn.

🔺 Xác định mục đích: Tại sao bạn quyết định dành 2-6 năm trong quỹ thời gian quí giá của mình để học tập tại trường đại học, cao học này? Bằng cấp quan trọng như thế nào với những mục tiêu bạn đặt ra? Hãy nghĩ rộng ra khi nghĩ về mục tiêu cuộc sống của mình, vì hiếm ai hài lòng chỉ với một ngành nghề duy nhất. Việc học tập tại trường bạn mong muốn đáp ứng yêu cầu của bạn và sẽ mở cánh cửa cuộc sống của bạn như thế nào?

Kết quả hình ảnh cho đề tài

BƯỚC 2: CHỌN ĐỀ TÀI 

Bạn đã tìm được ý tưởng cho bài viết của mình, với những nguyên liệu như mục tiêu của cuộc sống, những kinh nghiệm sống, những khả năng khác nhau, nhu cầu tài chính… Nhưng chưa đủ, bạn còn cần thêm một đề tài hay để gắn kết những yếu tố đó thành một thể thống nhất. Hãy chọn lựa một đề tài độc đáo mà vẫn không đi lạc khỏi những ý tưởng ban đầu. Lưu lại ấn tượng trong mắt một người mỗi ngày phải đọc vài chục bài luận không phải dễ dàng, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng những gợi ý nho nhỏ dưới đây:

🔺 Nếu bạn kể về một sự kiện quan trọng đã xảy ra trong cuộc đời bạn, lồng vào đó những kinh nghiệm sống động của bản thân.

🔺 Nếu bạn đang có dự định biến bài luận của mình thành một bài thơ tự do 5 chữ, hãy cẩn thận. Trừ những học bổng với yếu tố sáng tạo được đặt lên hàng đầu, thể loại này bị xếp vào loại nghèo nàn thông tin và đương nhiên, bị đánh rớt không thương tiếc.

🔺 Đừng nhắc đến điểm TOEFL hay điểm trung bình ở trường của bạn dù bạn tự hào về chúng đến mức nào đi nữa. Giám khảo đã nhìn thấy nó trong hồ sơ dự tuyển của bạn rồi.

🔺 Nếu bạn nghĩ ra một đề tài nhưng loay hoay đã nhiều ngày mà vẫn không nghĩ ra được dẫn chứng sống động nào thì tốt nhất, bạn nên tìm một đề tài khác.

🔺 Đừng quá ôm đồm vì bạn không thể truyền đạt hết đủ mọi loại thông tin trong giới hạn số chữ của bài viết.

🔺 Tránh sa đà vào các các vấn đề chuyên môn. Hoàn toàn ổn nếu bạn bàn về bộ môn sinh học trên phương diện một môn yêu thích của bạn, nhưng là sai lầm nếu bạn ngồi phân tích tỉ mỉ như sách khoa học về một động vật nào đó. Ban giám khảo sẽ nghĩ bạn đang cố tình phô diễn kiến thức.

🔺 Những dòng đầu tiên luôn đóng vai trò quyết định. Đừng xem nhẹ cách mở đầu bài viết vì không giám khảo nào đủ kiên nhẫn đọc tiếp một bài luận có phần mở đầu chán ngắt.

🔺 Đề tài của bạn có thuộc dạng xưa như trái đất không? Hãy xem qua 100 bài luận trên EssayEdge để rút được kết luận sơ khởi. Tuy nhiên, chọn một đề tài quen thuộc là một yếu điểm. Nếu câu trả lời của bạn đủ độc đáo và thông minh để bật ra khỏi hàng ngàn bài luận khác, bạn thậm chí còn có nhiều cơ hội ghi điểm hơn nữa kìa.

🔺 Tránh xa những đề tài tôn giáo, chính trị hay xung đột, nếu bạn không muốn bài luận của mình trở nên đáng nhớ một cách tiêu cực.

🔺 Trong trường hợp bạn thật sự muốn chọn một đề tài về hai chiều hướng suy nghĩ xung đột nào đó, hãy viết một cách khách quan nhất có thể, đừng tỏ ra quá kích động để bênh vực một bên nào cả.

🔺 Trước khi đặt bút viết, hãy trả lời những câu hỏi sau: Người đọc bài luận có còn nhớ đến đề tài của bạn sau khi đọc thêm hàng trăm bài luận khác không? Họ sẽ còn nhớ những gì về đề tài đó và về bạn? Ấn tượng cuối cùng đọng lại về bạn là gì?

Sau hàng loạt ý tưởng và cân nhắc, hẳn bạn đã có trong tay ít nhất 1-2 đề tài khả thi chỉ chờ bắt tay vào xào nấu. Tuy nhiên vẫn còn một vài điểm cần lưu ý mà bạn không nên bỏ qua sau đây:

Kết quả hình ảnh cho nổi bật

♦️ Nếu bạn đang dự tính kể về những năm tháng tuổi thơ khốn khó, về việc mẹ bạn mất trong một tai nạn thảm khốc, bạn từng bị bắt cóc khi còn bé…, nói chung là những tấn thảm kịch của gia đình, thì hãy cẩn thận. Đừng quên mục đích chính của bài luận vẫn là bộc lộ những phẩm chất quí giá của bạn. Các vị giám khảo sẽ không vì mủi lòng trước những câu chuyện đầy nước mắt của bạn mà ban ngay một học bổng vô điều kiện. Đừng để họ nhớ về bạn như một thí sinh tội nghiệp, trong khi bạn hoàn toàn có thể để lại ấn tượng về một thí sinh nghị lực và có phẩm chất dù trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn. Tuổi thơ khốn khó có thể là phông nền làm bật lên những điểm mạnh của bạn, chứ không thể trở thành đề tài chính cho cả bài luận được.

♦️ Nổi bật chưa có nghĩa là chiến thắng. Bạn có thể nổi bật giữa các thí sinh khác nếu bạn tự nhận mình là một cô gái da màu đồng tính. Nhưng việc bạn có sống sót với sự nổi bật này không còn tùy thuộc vào cách xây dựng tình tiết trong bài luận: bạn đã làm thế nào trước dư luận xã hội và vượt qua khó khăn đến từ định kiến như thế nào? Tuy nhiên, sẽ rất lố bịch nếu một cô con gái cưng của gia đình giàu có bố là kỹ sư, mẹ là bác sĩ ngồi than vắn thở dài về gia cảnh bần hàn. Tức là đừng bao giờ nói dối về hoàn cảnh bản thân nhé!

♦️ Không nên đề cập đến những khuyết điểm trừ trường hợp thật sự cần thiết. Bia rượu, thuốc lá, tiệc tùng…, dù bạn có hào hứng về những đề tài đó đến mấy thì cũng đừng lôi chúng vào bài viết. Bạn chỉ có một số chữ giới hạn để trình bày bài luận, tại sao lại phung phí chúng vào những câu chuyện chỉ làm bạn mất điểm?

♦️ Bài luận không phải là hồi ký, nên bạn không cần phải nói thật đến từng milimet cuộc đời mình. Hãy chỉ đề cập đến những chi tiết cần thiết để làm nền móng xây dựng và làm nổi bật những phẩm chất, khả năng của bạn là đủ.

BƯỚC 3: VIẾT LUẬN MẤU CHỐT THÀNH CÔNG Ở ĐÂU?

Hình ảnh có liên quan

Hãy tự hỏi vì sao những người cấp học bổng yêu cầu bạn viết luận? Bạn nên cài đặt sẵn hai mục đích sau: thuyết phục cơ quan cấp học bổng là bạn hoàn toàn xứng đáng với học bổng của họ, và chứng minh cho họ thấy họ có thể mong đợi ở bạn nhiều hơn những điểm số cao thể hiện trong học bạ, bạn thật sự thông minh, nhạy bén và đủ chuẩn.

Tuy nhiên, đáng tiếc là không có một hướng dẫn chi tiết nào chính xác với tất cả bài luận, vì không có hai bài luận nào giống nhau hoàn toàn. Chỉ có những mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp bạn dễ dàng hoàn thành tốt bài viết hơn thôi:

1. Trả lời câu hỏi: Một lời nhắc nhở có vẻ ngớ ngẩn, nhưng chỉ cần bạn sa đà vào những đề tài của mình mà quên trả lời câu hỏi đặt ra thì dù bài viết có hay đến đâu cũng đừng mơ ước gì đến học bổng nữa.

2. Cụ thể: Ngay cả những đề tài chán phèo cũng có thể trở nên hấp dẫn nếu bạn biết cách diễn đạt sáng tạo. Ví dụ: Thay vì nói: Tôi đã phải tập luyện hàng tuần liền cho cuộc thi thể dục dụng cụ, hãy xào nấu lại thành Mỗi sáng, tôi đều đặn thức dậy vào lúc năm giờ sáng, đón xe buýt đến trung tâm thể thao và tập đến tối mịt, với mong ước đem được chiếc huy chương vàng thể dục dụng cụ về cho đội nhà.

3. Hãy là chính bạn: Có thể rất nhiều người từng đoạt giải trong những cuộc thi, nhưng cảm giác của mỗi người trong thời khắc đó là duy nhất. Hãy lồng cảm xúc và suy nghĩ của bạn vào những sự kiện quan trọng đã xảy ra, đó sẽ là thước đo chính xác nhất để giám khảo đánh giá tổng quát về bạn. Tuy nhiên, trừ khi bạn đã nghiên cứu thấu đáo về các vấn đề chính trị hay xã hội thì hãy tránh xa đề tài khó nuốt này ra nhé.

4. Từ ngữ dễ hiểu: Đa số sinh viên vẫn lầm tưởng sử dụng những từ ngữ bác học mới làm nổi bật được sự uyên bác của mình. Nhưng thực tế lại chứng minh ngược lại, những từ ngữ càng giản dị, gần gũi càng tạo nên sức hút.

5. Sử dụng ngôn ngữ giàu tính tượng hình: đây sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ bạn xuyên suốt bài viết. Cách nhanh nhất để tiếp cận giám khảo và tấn công trực tiếp vào cả năm giác quan của họ.

6. Đầu tư cho phần mở đầu: Đây luôn là phần quan trọng nhất vì giám khảo tập trung nhất là trong 1-2 phút đầu. Nếu họ đối mặt với một phần mở đầu quá nhàm chán thì chẳng có lý do gì để tiếp tục đọc những đoạn sau cả.
– Không kết luận trong phần mở đầu: Nếu bạn kết luận ngay từ mở đầu tức là bạn đã nói với giám khảo: Ông/bà không cần đọc tiếp nữa đâu!
– Giới thiệu gián tiếp: Không nhất thiết bạn phải nói ngay vào vấn đề chính từ câu đầu tiên. Hãy áp dụng một vài cách giới thiệu sáng tạo nào đó để phần mở đầu trở nên độc đáo và sinh động.

7. Có sự liên kết: Phần mở đầu thành công chưa chắc cả bài luận thành công, vì có những bài viết có phần thân bài chả ăn nhập tí nào với mở đầu. Tiếp thị sản phẩm không chỉ quan trọng ở khâu quảng cáo mà còn ở chất lượng sản phẩm nữa.

8. Sử dụng từ nối: Để tạo sự liền mạch cho bài viết (as a result…, while…, since…, etc.)

9. Kết luận xúc tích: Kết luận chính là cơ hội cuối cùng để bạn thuyết phục các vị giám khảo khó tính. Nhưng thậm chí trong phần kết luận bạn cũng không nên đưa ra bất kỳ điều gì để kết thúc vấn đề đặt ra. Vì bài luận chỉ giới hạn trong khoảng 300 chữ, thì liệu bạn đã phân tích đầy đủ để có thể đi đến một kết thúc chưa! Bạn nên chọn một trong những cách sau để đóng bài viết lại một cách đẹp mắt:
– Kết thúc mở, nêu thêm những vấn đề liên quan.
– Kết thúc bằng cách liên hệ với phần mở đầu để tạo tính cân bằng, lặp lại một câu ở phần mở đầu chẳng hạn.
– Vạch rõ, nhấn mạnh một vấn đề trọng tâm ở phần thân bài.
– Kết thúc bằng câu nói ý nghĩa của một người nổi tiếng. Tuy nhiên, hãy cân nhắc mạch văn. Câu nói phải được đưa vào thật tự nhiên, gượng ép sẽ khiến bài luận trở nên khập khiễng.

10. Bạn nên có một quãng thời gian nghỉ trước khi bắt tay vào viết. Thời gian này dành để suy nghĩ những ý tưởng độc đáo có thể làm sáng bài viết của bạn.

11. Đưa một người khác đọc bài viết của bạn, nhờ người đó nghĩ xem:
– Bài viết của bạn nói về vấn đề gì?
– Bạn đã sử dụng động từ ở thể chủ động nhiều nhất có thể chưa?
– Cấu trúc câu của bạn có đa dạng không? Hay chỉ toàn những câu hoặc ngắn ngủn hoặc dài thượt?
– Bạn sử dụng từ nối có ổn không?
– Ngôn ngữ của bạn có hình tượng và khiến bài viết dễ hiểu, sinh động hơn không?
– Có lỗi chính tả nào không?
– Phần hay nhất là phần nào?
– Phần tệ nhất là phần nào?
– Ấn tượng đọng lại là gì?
– Phần nào vẫn chưa rõ ràng và cần được viết lại?
– Phần nào dư thừa cần bỏ đi?
– Bài viết nói lên được gì về bạn?
– Nó có độc đáo không?

12. Đừng quên xem lại: Không nhà văn lớn nào có thể hoàn thành tác phẩm ngay khi đặt bút chấm dứt nó, họ đều phải xem đi xem lại nhiều lần, và bạn cũng vậy. Thủ tục này là cần thiết để phát hiện và thay thế những từ ngữ chưa phù hợp, gạt bỏ những câu văn vô nghĩa, kiểm tra sự liên kết của các liên từ, và cơ bản là không mắc lỗi ngữ pháp hay chính tả nào.
– Hãy để đề tài được phát triển tự nhiên, đừng gò ép nó trong một giới hạn nhất định được đặt ra.
– Đừng ngại tốn thời gian cho việc chỉnh sửa. Bạn cần sắp xếp lại các chi tiết bổ trợ, xóa bỏ những phần không cần thiết và làm rõ nghĩa thêm một vài điểm quan trọng.
– Bạn có thể cầu viện đến bộ phận sửa chữa của EssayEdge để giúp bài viết của mình được phát triển hoàn thiện cả về liên từ, cấu trúc ngữ pháp, phong cách, thậm chí âm điệu. Đây cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc để có được một bài viết đáng nhớ. Dĩ nhiên là phải có tính phí rồi!

Trên đây là những kinh nghiệm và các bước để viết thành công một bài essay với tác dụng hướng dẫn, và giúp các bạn định hướng đúng những việc mà mình cần phải làm để đạt được mục tiêu. Phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Chúc các bạn thành công.

(Sưu tầm)

Thông tin liên hệ Kênh Du Học:

Địa chỉ: 103 B2-TT Đồng Xa - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội

Số điện thoại: 0984.761.634 – 096 428 0101

Skype: maihuongvn

 Email:   info@kenhduhoc.vn - huongmai.do@gmail.com

               http://kenhduhoc.vn - http://facebook.com/kenhduhoc.vn

Kênh Du Học - Chắp cánh ước mơ du học của bạn với một lộ trình rõ ràng!

Kết quả hình ảnh cho kênh du học