Tương lai công nghệ sinh học Việt Nam

 

 

  

 
 

Hội thảo là diễn đàn các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, và các sinh viên cùng thảo luận về lợi ích của công nghệ sinh học nông nghiệp đối với an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe, và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đây là lần hợp tác thứ sáu, tiếp sau các sự kiện thành công vào năm 2008 - 2012.

Hai diễn giả quốc tế chính tại hội thảo này là Tiến sĩ Paul Teng - Trưởng Văn phòng nghiên cứu sau Đại học tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, và Tiến sĩ Guy Heathers - Giám đốc phát triển công nghệ tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore.

Tiến sĩ Teng thuyết trình về "vai trò của công nghệ sinh học nhằm ứng phó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vào an ninh lương thực của Việt Nam." Tiến sĩ Teng lưu ý về mức độ dễ bị tổn thương của vùng trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long khi có biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Heathers thuyết trình về "những tiến bộ công nghệ sinh học trong y học và chăm sóc sức khỏe." Ông nhấn mạnh những lợi ích mà công nghệ sinh học mang đến cho chăm sóc sức khỏe - một vấn đề quan trọng khi người dân sống lâu hơn và có đời sống tích cực hơn.

Công nghệ sinh học nông nghiệp đã phát triển rất nhanh kể từ lần đầu tiên được giới thiệu đến người tiêu dùng vào năm 1996. Năm 2011, trên 16 triệu nông dân trên khắp thế giới đã trồng 160 triệu ha cây nông nghiệp áp dụng công nghệ sinh học cho năng xuất cao. Khoảng 90% trong số họ là nông dân sống tại các nước đang phát triển.

Lợi nhuận kinh tế ròng trên toàn cầu của công nghệ sinh học trong năm 2008 ước tính là 9,2 tỉ USD, và hơn một nửa số lợi nhuận này dành cho nông dân các nước đang phát triển. Lợi nhuận tăng lên do sản lượng tăng và chi phí sản xuất giảm.

Tại Việt Nam, những lợi ích này sẽ giúp tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn, họ chiếm 70% dân số của Việt Nam.

 PV