TÔI ĐI HỌC Ở MỸ

Tôi đến Mỹ mùa hè năm 2000 lúc tôi vừa tròn… 37 tuổi. Sau đó hai tháng rưỡi tôi có được tấm bằng lái xe. Tôi bắt đầu đăng ký vào một trường cao đẳng cộng đồng (community college). 

Tôi đã không có nhiều tham vọng khi nghĩ đến chuyện đi học ở đây ngoại trừ chuyện học giao tiếp tiếng Anh để có thể dễ dàng hơn với cái nghề mà tôi đã được “định hướng” từ người thân, đó là nghề “hair and nail”. Nghề này có thể học và lấy bằng tương đối dễ dàng trong vòng một năm ở các trường Beauty do người Việt Nam làm chủ. Vào thời điểm đó, nghề nail ở Mỹ vẫn rất thịnh và rất dễ kiếm việc.

Đầu tiên là tôi phải hoàn tất “replacement test” ở trường cao đẳng cộng đồng để được xếp lớp. Sau khi vật lộn với một mớ câu hỏi về tiếng Anh và toán, tôi được xếp vào học các lớp: Reading, Writing thấp nhất của trường với các “cháu” học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học (chắc là loại trung bình hoặc… Hơi yếu). Riêng môn toán thì tôi được xếp vào lớp cao hơn một bậc.

Mấy ngày đầu tiên vào lớp reading rồi writing tôi thấy mình lạc lõng, ngớ ngẩn như vịt nghe sấm, hầu như không hiểu thầy nói gì, cứ liếc quanh xem người ta làm gì. Đôi lúc thầy nói gì đó làm cả lớp cười òa khoái chí còn tôi thì chẳng hiểu gì nhưng cũng làm bộ cười (mỉm chi!). Trời ơi, tôi vừa học xong khoa tiếng Anh của Đại học Mở bán công ở Việt Nam vậy mà tôi có cảm giác là mình mù chữ và bắt dầu đi học vậy.

Cuối giờ của lớp reading tôi nói riêng với thầy là tôi không hiểu hầu hết những gì thầy nói hôm nay với hy vọng thầy có thể có cách giúp tôi. Thầy dẫn tôi đến với một thầy giáo khác và nói hy vọng nơi này sẽ giúp tôi. Đó là khoa ESL (English as a Second Language) dành cho học sinh dùng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai. Tôi được thầy ESL cho biết là tôi phải đổi qua lớp ESL. Tôi bảo với thầy là tôi muốn thử hết các lớp đầu tiên này, thầy nói là tôi có thể bị “rớt” nếu cứ tiếp tục. Tôi nghĩ bụng “rớt thì thôi”.

Cứ cuối mỗi giờ tôi nhờ đứa bên cạnh ghi lại những gì cần làm (homework) cho lần học tới mà tôi không hiểu, vì tôi có thể đọc hiểu hơn là nghe hiểu tiếng Anh. Riêng môn toán thì tôi học dễ dàng và còn giúp các “cháu” khác trong lớp, cũng nhờ lớp toán này mà tôi có cơ hội để thực hành tiếng Anh khi giúp mấy bạn ấy giải phương trình bậc 2.

Tôi đã dành toàn bộ thời gian trong ngày cho việc học ở trường và homework. Tôi cũng cố gắng học thêm tiếng Anh mọi lúc mọi nơi từ TV, sách báo, radio, tôi để ý từng câu từng lời và tự lặp lại nếu có thể… Tôi thâu băng lại bài giảng ở lớp và về nhà nghe lại, cách này giúp ích tôi rất nhiều trong việc thực hành nghe nói tiếng Anh. Tôi đã cố gắng không đụng đến phim ảnh hay sách báo bằng tiếng Việt.

Sau học kỳ đầu tiên, sự chăm chỉ của tôi đã được đền bù, tôi được điểm A cho môn toán và môn writing, điểm B cho môn reading. Tôi đã bỏ ý định đi làm nail.
Sau đó tôi cứ kiên trì đeo đuổi việc học, cứ tự nhắc nhở mình “cần cù bù thông minh”. Sau một năm đến Mỹ, đầu tóc tôi gần như bạc trắng (có lẽ vì căng thẳng chuyện học hành hơn là vì… Máu xấu!).

Vào tháng 12/2005, tôi nhận bằng Bachelor of Science in Clinical Laboratory of Science tại trường OHSU lúc tôi hơn… 42 tuổi. Đến tháng 3/2006 tôi thi đậu chứng chỉ hành nghề và đến tháng 6/2006 xin được việc làm ở một bệnh viện cho đến nay. Tóc tôi bây giờ đã đen trở lại nhờ… Thuốc nhuộm tóc!

Trên đây chỉ là vắn tắt của quá trình hơn 5 năm đi học ở Mỹ của tôi. Tôi tin rằng ở nuớc Mỹ này với mọi hoàn cảnh, không cần thông minh, nếu quyết chí, nhẫn nại và chăm chỉ thì sớm hay muộn tấm bằng đại học, cao học… Cuối cùng sẽ nằm trong tay các bạn.

 Nguồn: Vnexpress.Net – Trúc Phan 

 Thông tin   liên hệ kênh du học  : 

 Địa chỉ:  Địa chỉ: 101 B2 – Tập Thể Đồng Xa – Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội 

ĐT: ĐTDĐ:  Mr.Hưng 0918.69.85.96 – Ms.Hương Đỗ 0984.761.634

Email:  info@kenhduhoc.Vn 

Www.Kenhduhoc.Vn – https://www.Facebook.Com/kenhduhoc.Vn

Kênh du học, chắp cánh ước mơ du học của bạn với một lộ trình rõ ràng!