10 lầm tưởng và thực tế về quá trình nộp hồ sơ du học Mỹ

Quá trình nộp hồ sơ du học Mỹ không phải là một quá trình dễ dàng. Nó thật sự tốn rất nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu, lựa chọn và cố gắng đạt mục tiêu cao nhất. Trong quá trình đó, đứng giữa quá nhiều luồng thông tin và lời khuyên, các bạn học sinh và các bậc phụ huynh rất dễ có những hiểu lầm sai lệch về quá trình này.

Hôm nay, Kênh Du Học sẽ giải đáp 10 lầm tưởng phổ biến nhất mà các bạn học sinh và phụ huynh hay gặp, từ đó phá bỏ những định kiến sai lầm để các em có một quá trình nộp hồ sơ thật suôn sẻ và thành công.  

1. Nếu không tích lũy đủ X môn AP, bạn không thể được nhận vào các trường top đầu của Mỹ.

Thực tế: Số lượng môn AP còn phụ thuộc vào chương trình học ở trường cấp 3.

AP (Advanced placement) bao gồm các khóa học tương ứng với nội dung đào tạo năm đầu của Đại học, cho phép học sinh làm quen, nhập môn và có cơ hội lấy được tín chỉ Đại học ngay từ khi còn ở bậc phổ thông. Học sinh và phụ huynh đều có chung suy nghĩ rằng nếu tích đủ X môn AP thì sẽ dễ dàng xin học ở trường Y danh tiếng nào đó. Trên thực tế, các trường đại học có cái nhìn bao quát hơn thế. Không có một quy chuẩn hay một con số tuyệt đối nào cho số lượng môn AP lý tưởng. Phần lớn các trường top đầu lại cân nhắc xem chương trình học cấp 3 của bạn như thế nào. Ví dụ, nếu trường cấp 3 có 20 môn AP nhưng bạn chỉ học 8 môn trong số đó, như vậy là không đủ. Tuy nhiên, nếu trường cấp 3 chỉ có 8 môn AP trong chương trình, bạn học cả 8 môn thì số đó được coi là đủ. Tóm lại, hội đồng tuyển sinh sẽ nhìn vào phần trăm môn AP, vào chương trình học của trường, số môn AP mà các bạn của bạn đã học để đánh giá hồ sơ.

2. Nếu trường Đại học bạn đang nộp đơn có chính sách miễn điểm SAT/ACT thì bạn không cần phải thi những kỳ thi đó.

Thực tế: Học sinh vẫn nên thi lấy điểm cao ở các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế.

Trong những năm gần đây, chính sách miễn điểm SAT/ACT được ngày càng nhiều trường áp dụng (riêng năm nay là hơn 800 trường). Có một hệ quả dễ hiểu ở đây là, khi áp dụng chính sách miễn điểm SAT/ACT, trường sẽ nhận được nhiều hồ sơ hơn. Tuy nhiên, số lượng học sinh được chấp nhận nhập học lại không đổi hay tăng lên không đáng kể (Vì cơ sở vật chất, số lượng giáo viên…), vậy nên tỷ lệ chọi sẽ tăng. Khi hội đồng tuyển sinh xem xét 2 bộ hồ sơ khá tương đồng về GPA, ngoại khóa, bài luận nhưng 1 bộ có điểm SAT/ACT, 1 bộ không có, chắc chắn bộ hồ sơ có điểm SAT/ACT có lợi thế hơn cả. Lý do là vì hội đồng tuyển sinh có thể tự tin rút ra kết luận về học lực của bạn thí sinh có SAT/ACT này. Ngoài ra, điểm SAT/ACT được dùng để xét học bổng (Merit scholarship). Vì vậy, lời khuyên cho các bạn: Hãy trang bị cho mình điểm số SAT/ACT thật tốt.

3. Các trường thường chỉ đánh giá cao những hoạt động chuyên sâu liên quan đến ngành học, do đó chỉ cần một vài hoạt động ngoại khóa thôi.

Thực tế: Kể cả những hoạt động tưởng nhỏ nhất cũng được xem xét tới.

Bạn có các hoạt động chuyên môn hóa, nghiên cứu và có một vài hoạt động nghiên cứu được tài trợ. Tuyệt vời! Nhưng không có nghĩa các hoạt động tình nguyện ở địa phương lại chẳng có chút giá trị gì. Theo số liệu cho thấy, hầu hết các thí sinh thành công thường tham gia tầm 8-10 hoạt động. Các hoạt động chuyên sâu là rất tốt, nhưng cũng cần có các hoạt động ngoại khóa khác như làm thêm, các hoạt động trong hè, thể thao, v.v. Tất cả các hoạt động đều được coi trọng và đánh giá như nhau cả.

4. Những trường top cao chỉ cân nhắc tuyển sinh những bạn là lớp trưởng, cán bộ lớp hoặc những bạn năng động, hoạt bát. Những bạn sống nội tâm, ít nói không có cơ hội.

Thực tế: Có nhiều cách để thể hiện khả năng lãnh đạo của bản thân.

Nếu vị trí thủ lĩnh không phải thế mạnh của bạn, bạn không có quá nhiều đam mê với vị trí lớp trưởng, bí thư, trưởng câu lạc bộ, đội trưởng đội bóng... Đó là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Ngay như ở trường Harvard, không phải bạn nào cũng là thủ lĩnh ở trường, lớp. Có những bạn có thiên hướng làm nghiên cứu, thích các dự án cá nhân, hoạt động nhóm… Và họ vẫn thành công khi nộp đơn. Bạn vẫn có thể chứng minh khả năng, tư chất thủ lĩnh nhưng với một hình thức khác, điều này là quan trọng khi nộp đơn vào các trường top đầu, đặc biệt là 8 trường Ivy League đáng mơ ước. Ví dụ, bạn có ý tưởng hay cho 1 hoạt động gây quỹ ở trường, có thể cùng với một vài người bạn, hoặc có thể một mình, lên kế hoạch và thực hiện từng bước. Điều này hoàn toàn được coi là hoạt động thủ lĩnh bởi bạn chịu trách nhiệm cho hoạt động đó, bạn tự rút ra bài học, có đóng góp cho mọi người xung quanh.

5. Đến thăm trường và thể hiện sự quan tâm của mình sẽ tăng cơ hội được chấp nhận.

Thực tế: Việc thăm trường không tăng cơ hội được chấp nhận.

Nhưng không phủ nhận mục đích của chuyến thăm trường là để tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa, chương trình, thế mạnh của trường cũng như đánh giá mức độ phù hợp của ngôi trường đó với khả năng và tính cách của bạn. Hơn nữa, việc hiểu rõ ngôi trường bạn đang mơ ước sẽ giúp cho bạn có định hướng cho bài viết luận hoặc portfolio của mình. Tuy nhiên, nó không gia tăng cơ hội cho bạn, đặc biệt với những trường top cao.

6. Bạn sẽ có cơ hội cao hơn khi nộp đơn diện nộp đơn sớm (Early Action) hoặc diện quyết định sớm (Early Decision)

Thực tế: Cơ hội để được chấp nhận học của mỗi thí sinh là như nhau kể cả nộp theo diện nào (EA/ED hay RD). Tỉ lệ chấp nhận (Acceptance Rate) mà các bạn vẫn thường thấy trên các bảng xếp hạng uy tín như College Board, Usnews không giống với cơ hội nhập học của từng cá nhân. Tỉ lệ chấp nhận vào học của các trường cao hơn tại các kỳ nộp EA và ED là do chất lượng thí sinh tại các kỳ nộp này thường cao hơn thông thường.

7. Thư giới thiệu được viết bởi những người có liên quan hoặc có tầm ảnh hưởng tới trường (Ví dụ như giáo sư của trường) sẽ làm tăng khả năng được chấp nhận.

Thực tế: Thư giới thiệu nên được viết bởi những người hiểu rõ con người bạn

LORs (Letter of reference hay reference letter) - thư giới thiệu tốt nhất nên thể hiện sự hiểu biết rõ về con người bạn và quá trình trưởng thành của bạn. Qua LORs, Hội đồng tuyển sinh (AdCom) sẽ phần nào thêm hiểu thí sinh qua lời nhận xét của những người có liên quan. Như vậy, để lấy được thư giới thiệu có trọng lực, bạn nên xây dựng mối quan hệ tốt, để lại ấn tượng thiện cảm với người đó. Người viết thư giới thiệu có thể là bất cứ ai, có thể là giáo viên, anh chị hướng dẫn trong các hoạt động hoặc thậm chí là bác bảo vệ.

8. Nếu bạn xin học bổng từ trường, cơ hội được nhận sẽ bị giảm

Thực tế: Với những trường top cao, việc xét hồ sơ chỉ dựa vào học lực của bạn.

Khái niệm Need-blind admission được hiểu là yếu tố tài chính sẽ không được cân nhắc khi nhà trường xem xét đơn xin học của một ứng viên, mà chỉ quan tâm tới khả năng của sinh viên ấy! Cũng có một số trường tuy áp dụng chính sách need-blind admission nhưng lại không kèm theo lời hứa sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí khi ứng viên được nhận học. Như vậy, dù được trường chấp thuận cho theo học, nếu không có đủ khả năng tài chính, ứng viên vẫn không thể nào nhập học tại trường vì khoản hỗ trợ này thường chỉ áp dụng cho sinh viên bản xứ.

9. Chuyên ngành ảnh hưởng đến khả năng được nhận của bạn

Kết quả hình ảnh cho major

Thực tế: Chuyên ngành không ảnh hưởng gì đến khả năng được nhận của bạn trừ một số trường hợp:

+ Trường Đại học bạn đăng ký có “trường con” riêng chuyên giảng dạy về chuyên ngành bạn chọn. Tỉ lệ chọi sẽ cao hơn các trường khác.

+ Các ngành kỹ thuật có tỉ lệ cạnh tranh cao hơn.

+ Các điểm mạnh của bạn phù hợp với một chuyên ngành nhưng bạn lại đăng ký một chuyên ngành khác.

10. Phỏng vấn với cựu học sinh là một phần quan trọng của quá trình xét tuyển hồ sơ.

Thực tế: Phỏng vấn với cựu học sinh chỉ chiếm 5% trong quá trình xét tuyển. Do đó, đây không phải phần quá quan trọng.

Một cuộc phỏng vấn tốt không giúp bạn được chấp nhận, nhưng một cuộc phỏng vấn tệ (trừ khi là nó rất tệ) chưa chắc đã làm bạn bị loại.

Trên đây là 10 lầm tưởng mà các bạn học sinh và phụ huynh thường có khi bắt tay vào quá trình nộp hồ sơ du học Mỹ. Mong rằng với bài viết này, Kênh Du Học đã giúp các bạn học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về quá trình cam go, nhiều chông gai và không hề dễ dàng này.

Mọi thắc mắc về quá trình nộp hồ sơ, vui lòng liên hệ Kênh Du Học để nhận được tư vấn nhanh nhất và chính xác nhất.

 

Mọi thắc mắc về việc tuyển sinh, vui lòng liên hệ

Địa chỉ: 103 B2-TT Đồng Xa - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội

Số điện thoại: 0984.761.634 – 096 428 0101

Skype: maihuongvn

 Email:   info@kenhduhoc.vn - huongmai.do@gmail.com

               http://kenhduhoc.vn - http://facebook.com/kenhduhoc.vn

Kênh Du Học - Chắp cánh ước mơ du học của bạn với một lộ trình rõ ràng!

Kết quả hình ảnh cho kênh du học