Tham khảo bài viết: HỌC BỔNG THẠC SỸ MỸ - NHỮNG LƯU Ý CHO DU HỌC SINH VIỆT NAM
Chương trình học và ngành học
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều chương trình Thạc sĩ, mỗi chương trình hướng đến mỗi đối tượng và mục đích đào tạo khác nhau, có những yêu cầu và đặc điểm khác nhau về đầu vào, chương trình học, học phí,… Do đó, việc đầu tiên cần làm khi muốn thực hiện giấc mơ du học là phải xác định được mục đích học của mình là gì và định hướng tương lai của mình.
Chương trình học bổng
Bước tiếp theo là tìm hiểu về các chương trình học bổng. Dựa trên nhà tài trợ học bổng, các chương trình học bổng hiện nay có thể phân thành 3 loại chính: học bổng Chính phủ, học bổng trường Đại học và các loại học bổng khác (tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp,…)
Học bổng của trường Đại học
Học bổng của trường bao gồm nhiều loại với nhiều giá trị khác nhau. Cách tốt nhất để biết rõ thông tin là truy cập vào website hay gửi mail hỏi trực tiếp trường.
Các thuật ngữ học bổng:
+ Scholarship: Đây là từ chung nhất để chỉ học bổng.
+ Tuition waiver/ tuition reduction: Đây là những thuật ngữ các trường của Mỹ thường dùng để chỉ học bổng dưới hình thức miễn/ giảm học phí.
+ Assistantship: Làm việc bán thời gian ở trường để nhận lương. Có hai hình thức assistantship phổ biến là Teaching Assistantship (trợ giảng) và Research Assistantship (trợ lý nghiên cứu). Ngoài ra còn một số dạng assistantship khác như các công việc làm thêm về thiết kế, marketing, nhân sự, xử lý dữ liệu, khảo sát,… ở trong khuôn viên trường (on-campus jobs).
+ Fellowship: một cách diễn đạt khác của học bổng miễn/ giảm học phí. Tuy nhiên, một số trường còn cho thêm một khoản trợ cấp hàng tháng (monthly stipend).
Chọn trường
Việc xác định chọn trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: danh tiếng, thứ hạng, mức học phí, sinh hoạt phí, ngành học mà mình quan tâm, hay chỉ đơn thuần là sở thích cá nhân đối với từng vùng, từng nước. Nếu bạn muốn xin HBCP thì thường phải chọn trường và nộp hồ sơ nhập học cho trường trước khi nộp hồ sơ cho HBCP. Trong trường hợp xin học bổng của trường thì quá trình chọn trường và chọn học bổng là một. Đối với các trường ở Mỹ, khi nộp hồ sơ nhập học bạn sẽ tự động được xét cho phần lớn các loại học bổng sẵn có. Ở các nước khác, phần lớn các trường yêu cầu nộp thêm một số giấy tờ và bài luận để xét học bổng sau khi đã được trường nhận vào học.
Thứ hạng của trường đóng một vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn nhưng không phải là tất cả, và một điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta nên dựa vào thứ hạng của ngành học mà mình định nộp hồ sơ và nên ít phụ thuộc vào thứ hạng chung của trường (trong khi phần lớn chúng ta thường làm điều nguợc lại). Để tham khảo xếp hạng ở Mỹ, có thể tham khảo US News, Forbes, hay Business Week.
CHUẨN BỊ HỒ SƠ
Sau khi hoàn tất các bước ở trên, việc chuẩn bị hồ sơ cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Thông tin về yêu cầu đầu vào và hồ sơ cho từng chương trình học để thể hiện chi tiết trên website của trường. Một bộ hồ sơ xin học bổng bao gồm các thành phần chính sau:
Bảng điểm và Bằng tốt nghiệp (Undergraduate Transcript and Degree)
Điểm trung bình tích lũy (GPA) là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc bạn có được nhận hay không và có được học bổng hay không. Khi đánh giá một bảng điểm Đại học, hội đồng xét tuyển (Admission Committee, hay gọi tắt là AdCom) sẽ xem xét đánh giá các khía cạnh sau:
+ Danh tiếng của trường: Để đảm bảo tính công bằng cho các ứng viên đến từ các quốc gia khác nhau, hội đồng xét tuyển thường chỉ quan tâm tới thứ hạng của trường trong từng quốc gia. Tất nhiên, nếu bạn học ở trường danh tiếng trên thế giới thì hồ sơ của bạn sẽ được ưu tiên hơn một ít.
+ Ngành học: Phần lớn các chương trình Thạc sĩ yêu cầu một ngành học có liên quan ở bậc Đại học. Tuy nhiên, khuynh hướng này ngày càng được thay đổi, đặc biệt đối với MBA, MiM, MSfin, ngành học của bạn ở Đại học không quan trọng.
+ Các môn học: Tuy là ngành học không quan trọng nhưng hội đồng xét tuyển sẽ xem xét kỹ các môn học của bạn. Bạn càng học nhiều môn khó hay mang nhiều yếu tố định lượng ở Đại học thì bảng điểm của bạn càng có giá trị. Vì vậy, không cần biết bạn đang học ngành gì, cần phải duy trì ít nhất là điểm B (7.0/10) trở lên đối với các môn Toán Cao cấp, Kinh tế Vi mô/ Vĩ mô, Xác suất thống kê, Nguyên lý thống kế, và Kinh tế luợng.
+ Điểm số: Điểm số của bạn càng cao ở những học kỳ cuối thì bạn càng được đánh giá cao. Nếu điểm số của bạn thấp ở giai đoạn đầu và cao ở giai đoạn sau thì bạn có thể đưa ra lời giải thích cho việc này trong bài luận cá nhân (Personal Statement - sẽ được trình bày bên dưới) và cho họ thấy bạn đã tiến bộ ra sao. Tuy nhiên, hội đồng xét tuyển sẽ không chấp nhận lời giải thích nào cho việc điểm số của bạn cao ở giai đoạn đầu và thấp ở giai đoạn sau. Nếu bạn vẫn còn đang học thì hãy nỗ lực để đạt được những điểm số cao nhất có thể. Nếu bạn đã ra trường và GPA thấp thì có 2 cách để cải thiện điều này: thứ nhất là học lấy các chứng chỉ nghề chuyên nghiệp liên quan đến con đường sự nghiệp của mình (CFA, ACCA, CIMA, CPA, FIATA,…); cách thứ hai là tham gia các khóa học bổ túc do các trường Đại học tổ chức (tuy nhiên điều này không phổ biến ở Việt Nam).
Yêu cầu về Tiếng Anh (English requirement)
Hiện nay đa phần các trường ở Mỹ đã chấp nhận IELTS. Ngoài TOEFL và IELTS, các trường còn chấp nhận PTE (của Mỹ) hay các chứng chỉ Cambridge (của Anh). Tiếng Anh là một yếu tố quan trọng trong việc du học, nhưng tầm quan trọng của nó sẽ giảm dần một khi bạn đã đạt điểm yêu cầu tối thiểu (Minimum English Requirement) của chương trình học. Phần lớn các chương trình học yêu cầu mức điểm IELTS tối thiểu là 6.5 và không có thành phần nào dưới 6.0 (bạn có thể quy đổi mức điểm này ra các chứng chỉ khác để tham chiếu).
Hiện nay nhiều trường cho bạn miễn yêu cầu Tiếng Anh (English test waiver) nếu bạn đáp ứng được một trong các điều kiện sau: nhận bằng Đại học từ một chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh; trong vòng 2 năm gần nhất hoàn thành một bằng Thạc sĩ hay 2 năm cuối của bằng Đại học ở một quốc gia nói Tiếng Anh.
Nếu bạn định thi chứng chỉ Tiếng Anh để nộp hồ sơ cho cả bậc học Thạc sĩ và Tiến sĩ thì nên thi TOEFL vì nhiều chương trình Tiến sĩ chỉ yêu cầu TOEFL.
GMAT (Graduate Management Admissions Test) / GRE (Graduate Record Examination)
Đề thi chuẩn hóa (Standardized Test) là một yếu tố quan trọng khi nộp hồ sơ MBA, MiM, hay Msfin. Hầu hết các chương trình này chấp nhận cả GMAT và GRE. Tuy nhiên, các chương trình Thạc sĩ khác ngoài kinh doanh, quản lý, và tài chính thường chuộng GRE hơn. Cũng tương tự như TOEFL, nếu bạn dự định học lên Tiến sĩ thì nên chọn thi GRE.
GMAT và GRE có thời hạn đến 5 năm. Do đó, khi có thời gian và điều kiện cho phép, bạn nên học và thi các chứng chỉ này càng sớm càng tốt để trong trường hợp cần cải thiện điểm thì có rộng thời gian để thi lại hay sau này bận đi làm thì sẽ không có thời gian để học. Việc thi GMAT sớm còn có một lợi thế là sau khi thi GMAT, điểm số và các thông tin khác của bạn sẽ được GMAC (Graduate Management Admissions Council - đơn vị tổ chức GMAT) ghi nhận lại và cho phép các trường Đại học trên thế giới tìm kiếm và chủ động liên hệ với bạn. Bằng cách này, bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các chương trình học và thông tin học bổng hơn. Để tìm hiểu thông tin về GMAT, truy cập www.mba.com.
Tương tự GPA, điểm số GMAT/ GRE của bạn càng cao thì cơ hội nhận học bổng càng lớn. Mức điểm GMAT tối thiểu mà các trường thường yêu cầu là 600. Một lưu ý quan trọng nữa là các trường thường chuộng sự cân bằng giữa điểm phần toán (quantitative) và ngôn ngữ (verbal) trong điểm GMAT.
Kinh nghiệm làm việc (Working experience)
Hầu hết các chương trình MBA và một số chương trình Msfin yêu cầu kinh nghiệm làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp. Khi kinh nghiệm làm việc của bạn càng nhiều thì mức độ quan trọng của điểm GPA càng giảm đi. Do đó, nhiều năm kinh nghiệm là một cách khác nữa để bù đắp cho điểm số thấp ở Đại học. Số năm kinh nghiệm quan trọng, tuy nhiên quan trọng hơn là chất lượng công việc của bạn. Trong thời gian làm việc, bạn đã thăng tiến như thế nào và tạo ra được những thành tích gì (cần được lượng hóa).
Một số chương trình MBA không yêu cầu (required) kinh nghiệm nhưng lại ưu tiên (strongly preferred) ứng viên có kinh nghiệm. Như vậy không có nghĩa là sinh viên mới ra trường không có cơ hội xin học bổng MBA. Ngay cả chương trình MBA của Havard hay Stanford hằng năm đều dành những suất cho sinh viên mới ra trường. Vấn đề là sinh viên mới ra trường cần chứng minh được đam mê nghề nghiệp và những sự chuẩn bị của bản thân cho con đường nghề nghiệp đó thông qua những kinh nghiệm làm thêm, thực tập, hay các hoạt động ngoại khóa khác.
CV/ Resume
Sự khác biệt cơ bản nhất giữa CV và Resume là CV có độ dài không cố định còn Resume có độ dài không được vuợt quá một trang. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ, CV của bạn được khuyến cáo là càng ngắn gọn càng tốt và không được vượt quá hai trang. Cách thức trình bày CV của bạn khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm chương trình mà bạn nộp hồ sơ cũng như thành tích và hoạt động của bạn. Ví dụ như khi nộp hồ sơ cho chương trình MBA thì CV của bạn cần toát lên được khả năng lãnh đạo (Leardership), khi nộp hồ sơ cho ngành Kinh tế học thì CV cần thể hiện được thành tích học tập, hay khi nộp cho cho ngành Quan hệ quốc tế thì CV cần làm nổi bật các chương trình trao đổi giao lưu quốc tế bạn từng tham gia. Cũng vậy, người có nhiều kinh nghiệm thì thường đặt mục Kinh nghiệm làm việc (Working Experience) lên trước mục Học vấn (Educational Background) trong khi sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm thì trình bày ngược lại.
Thư giới thiệu (Letter of Recommendation)
Thư giới thiệu là một thành phần đặc biệt trong bộ hồ sơ xin học bổng du học. Đặc biệt là vì đây là thành phần duy nhất của bộ hồ sơ bạn không thể chủ động kiểm soát nội dung của nó. Tuy nhiên, không thể kiểm soát nhưng bạn vẫn có thể tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến nội dung. Hiện nay, bên cạnh hình thức Thư giới thiệu giấy truyền thống, nhiều trường sử dụng Thư giới thiệu online, trong đó, bạn cung cấp thông tin về người viết Thư giới thiệu (Referee) cho mình trên hệ thống nộp hồ sơ online, hệ thống sẽ tự gửi đường link đến người viết Thư giới thiệu để họ hoàn thành. Hình thức này tiện lợi hơn hình thức Thư giới thiệu giấy vì bạn không cần sắp xếp buổi gặp mặt người viết thư cho mình cũng như không cần phải xin mộc và dấu của trường (hay cơ quan đang công tác).
Sau đây là một số điều cần lưu ý liên quan đến Thư giới thiệu:
+ Thông thường trường yêu cầu hai Thư giới thiệu, một số yêu cầu ba. Đối với MBA, một số chương trình yêu cầu một trong những Thư giới thiệu đến từ Cấp trên ở cơ quan làm việc.
+ Người viết Thư giới thiệu cho mình phải là người hiểu mình, có quan hệ gần gũi và có thể đánh giá được chính xác tính cách và năng lực của mình (tuy nhiên không được phép là bạn bè hay người thân; đồng nghiệp có thể được). Cấp bậc (Giám đốc, Phó giám đốc) hay trình độ (Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ) của người đó không phải là điều quá quan trọng.
+ Đối với Thư giới thiệu từ Thầy/ Cô thì nên chọn Thầy/ Cô giảng dạy những môn có liên quan đến ngành học trong trương lai của mình. Đối với những bạn còn đi học, nên nhắm trước những Thầy/ Cô mình muốn xin Thư giới thiệu, để từ đó cố gắng học cho tốt môn của họ cũng như để lại những ấn tượng tốt về bản thân, và giữ liên hệ với Thầy/ Cô một thời gian đủ dài.
+ Nên liên lạc nhờ người viết Thư giới thiệu sớm để cho họ đủ thời gian viết cho mình. Nên gửi họ CV của mình cũng như trình bày một số thông tin chi tiết về ngành học chương trình học mà mình định nộp hồ sơ.
Bài luận cá nhân (Personal Statement/ Motivation Letter)
Đây là thành phần trung tâm và quan trọng nhất của bộ hồ sơ xin xin nhập học và học bổng. Bài luận cần gắn kết tất cả những mảnh ghép của cuộc đời bạn để viết thành một câu chuyện liền mạch hài hòa bắt đầu từ quá khứ, đưa đến hiện tại, và dẫn đến những dự định trong tương lai. Một bài luận điển hình cần trả lời được 3 câu hỏi cơ bản sau:
“Describe your career interests and any experience you have related to this career.
Why do you choose our program?
How will our program help you reach your goals?”
Mọi thắc mắc xin liên hệ:
Địa chỉ: 103 B2-TT Đồng Xa - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
Số điện thoại: 0984.761.634 – 096 428 0101 (Zalo) - 024.668.631.86
Email: info@kenhduhoc.vn - huongmai.do@gmail.com
http://kenhduhoc.vn - http://facebook.com/kenhduhoc.vn
Kênh Du Học - Chắp cánh ước mơ du học của bạn với một lộ trình rõ ràng!